Hội thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương”
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Tại điểm cầu Hà Nội, dự Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Quản lý kinh tế trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Đại học Indiana Hoa Kỳ, Đại học Sysney, Australia; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo từ điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội
Bình Dương thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với USAID để tổ chức Hội thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương” với sự tham gia của các tổ chức tư vấn quốc tế như Đại học Indiana Hoa Kỳ, Nhóm Sáng kiến Việt Nam, Trung tâm Chia sẻ tri thức toàn cầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín ở trong và ngoài nước.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, việc lựa chọn nghiên cứu trường hợp tỉnh Bình Dương trong thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức có ý nghĩa. Là tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế năng động, trong thời gian qua, Bình Dương cùng với thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đã phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đây cũng là địa phương đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy, nghiên cứu thực tiễn của tỉnh Bình Dương để tổng kết rút kinh nghiệm, không chỉ có giá trị đối với công tác phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Khái quát về tình hình, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tỉnh Bình Dương thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, với việc thay đổi chiến lược chống dịch từ “không có Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bình Dương đã trở về trạng thái “bình thường mới” với những tín hiệu khả quan.
Hiện nay, Bình Dương đã cơ bản thực hiện bao phủ vắc xin trong toàn tỉnh, đã có kinh nghiệm tổ chức điều trị theo hệ thống 3 tầng, cơ bản tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tỉnh đã ban hành Công văn số 5412/UBND-VX ngày 21/10/2021 về thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid–19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.
Những tín hiệu khả quan
Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2021 về cơ bản tiếp tục đạt kết quả tích cực: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 2,79%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 2 tỷ USD; ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 24,7 tỷ USD, tăng 14,7%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,8 tỷ USD. Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,4% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán.
Đồng chí Võ Văn Minh cho biết, lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, với hình thức phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, góp phần quan trọng trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, số ca mắc mới trong cộng đồng gần đây đang có dấu hiệu gia tăng, số ca tử vong và chuyển nặng cũng có chiều hướng tăng, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh rất cao. Bên cạnh đó, với việc xuất hiện biến chủng B.1.1.529 (Nam Phi) của virus Covid-19 đòi hỏi cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng cần có các giải pháp và phương án chủ động phòng chống, trong đó cần nhấn mạnh đến tính an toàn, chắc chắn, xác định phòng dịch hơn chống dịch.
Một số thách thức
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Một số chẩn đoán và gợi ý về chiến lược phát triển thời kỳ hậu phát triển công nghiệp và hậu Covid-19 đối với tỉnh Bình Dương”, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright & Đại học Inidana Hoa Kỳ đánh giá cao sức hút và những kết quả Bình Dương đã đạt được trong những năm qua, nhất là các kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2010-2020 khi xếp thứ ba cả nước về sức hút tổng thể, xếp thứ nhất cả nước về gia tăng sức hút trong giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, Bình Dương cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19, Bình Dương là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất và đã bộc lộ nhiều vấn đề, thách thức.
Là địa phương có mô hình đặc khu kinh tế thành công nhất Việt Nam với các cụm ngành công nghiệp phát triển cao nhất cả nước nhưng hệ thống giáo dục, hệ thống y tế và dịch vụ y tế chưa ngang tầm với sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề chung như chiến lược phát triển, cơ chế khuyến khích đối với cán bộ, công chức, sự thiếu gắn kết giữa các đơn vị trong bộ máy, những bất cập trong công tác quy hoạch, thông tin dữ liệu, sự cạnh tranh giữa các địa phương trong phát triển, v.v.. Những điều này đặt ra nguy cơ đẩy Bình Dương vào tình trạng lụi tàn sau giai đoạn phát triển công nghiệp. Vì vậy, tổng kết và rút ra bài học đối với mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương, xác định chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhất là việc lựa chọn và định hình chiến lược phát triển hiệu quả, phù hợp trong giai đoạn bình thường mới hiện nay là những đòi hỏi cấp thiết.
Đại biểu dự Hội thảo tại các điểm cầu trực tuyến trong nước và quốc tế
Động lực tăng trưởng trong thời gian tới
Định vị Bình Dương trong chuỗi giá trị toàn cầu và các cơ hội kinh tế hậu dịch, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana Hoa Kỳ khẳng định ba trụ cột của tăng trưởng GRDP là công nghệ, con người và vốn; và nhấn mạnh để thúc đẩy tăng trưởng GRDP cần triển khai hiệu quả các sáng kiến về quản trị thực thi, xây dựng năng lực đội ngũ, đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch và phát triển hạ tầng…
Cùng quan điểm với GS Trần Ngọc Anh, TS Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, hiện nay các động lực tăng trưởng của Bình Dương vẫn còn có thể tiếp tục khai thác nhưng ngày càng thu hẹp lại, đòi hỏi tỉnh cần tìm những động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển dịch của các xu thế lớn trên thế giới như từ toàn cầu hóa sang giải toàn cầu hóa, từ công nghiệp hóa sang giải công nghiệp hóa, cách mạng 4.0 và chuyển đổi số…., Bình Dương cần chủ động nâng cao năng suất, quan tâm đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo lập hình ảnh chuẩn mực cao về môi trường và lao động; thu hút được các dòng vốn chất lượng cao với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, tạo ra hệ sinh thái với sự tham gia của “nhiều nhà”.
TS Nguyễn Thắng cho rằng, trong bối cảnh có sự thay đổi về việc làm (linh hoạt, từ xa), xã hội (tầng lớp trung lưu, dân số già hóa), Bình Dương phải tận dụng tối đa địa lợi nằm cạnh siêu đô thị thành phố Hồ Chí Minh, phát triển các đô thị đáng sống tạo ra lực hút tại tỉnh trong tương tác với lực đẩy từ thành phố Hồ Chí Minh trong mối liên kết vùng hiệu quả.
Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội thảo đã tập trung nhận diện, đánh giá đầy đủ quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 của tỉnh Bình Dương trong tình hình mới, những sáng kiến hay, cách làm tốt của Bình Dương trong thực hiện mục tiêu kép để rút ra những bài học tổng kết, lan tỏa trong cả nước.
Các tham luận tại Hội thảo cũng đã trình bày những nghiên cứu, phân tích cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp, đối với các vấn đề khai thác huy động nguồn lực, vấn đề lao động, thị trường…. cũng như khả năng tận dụng những cơ hội trong quản lý vĩ mô của Nhà nước, các gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tài chính… để giúp Bình Dương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đồng thời, từ thực tiễn tỉnh Bình Dương, các đại biểu dự Hội thảo đã có sự tham chiếu, so sánh với các địa phương khác ở trong và ngoài nước, dự báo các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có những tình huống xấu nhất để sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập trung vào các khâu đột phá lớn để tham vấn cho tỉnh giải quyết những vấn đề trước mắt, trung hạn và dài hạn; đồng thời đề xuất các giải pháp giúp đất nước không chỉ vượt qua đại dịch mà còn kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả./.