info@hcma.vn 036 753 19912

Diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương năm 2021: Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới

2021-09-22, 15:03

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành. Hội nghị được kết nối với 59 điểm cầu trong cả nước. Với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”, hội nghị tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh để phát triển các địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Đối thoại phát triển địa phương năm 2021 diễn ra trong bối cảnh năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, các địa phương đã triển khai học tập, quán triệt tinh thần Nghị quyết XIII và nghị quyết đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển biến rất nhanh với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết, với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bao quát toàn diện các nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước trong giai đoạn mới; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường; lan tỏa đến mỗi địa phương trong cả nước tinh thần hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm thoát khỏi lối mòn, phát triển tuần tự theo truyền thống để bứt phá, vươn lên một cách mạnh mẽ. Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, sự thích ứng với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn trong nước, quốc tế; trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để tận dụng tốt nhất các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu lên tầm quan trọng của chuyển đổi số và chỉ ra yếu tố cơ bản để thực hiện chuyển đổi số đó là: Hạ tầng công nghệ, đây là điều kiện cần, mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số; hệ thống thể chế, chính sách phải liên tục được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là chưa từng có, phải có những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát triển nhân tố con người, trong đó người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và có tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đến nội dung “Trạng thái bình thường mới và tầm nhìn phát triển địa phương”. Thực hiện mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới, đó là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mới, bám sát diễn biến của dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, thiết lập nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.

Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sự thích ứng với thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn quốc tế và yêu cầu phát triển mới trong việc đề ra định hướng về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại; coi trọng nông nghiệp sinh thái... GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đây là lúc rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước. Có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia, khắc phục được tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm, đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng….

Tiếp đó, diễn đàn đã được nghe phát biểu của đại diện các tổ chức quốc tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, Đại học Indiana (Hoa Kỳ). Với hai phiên thảo luận: (i) Phiên 1 là về quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số, đối thoại xoay quanh các sáng kiến quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số; (ii) Phiên 2 về cơ hội tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cùng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp thảo luận về khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các địa phương.

 

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tại buổi đối thoại đều khẳng định: Trạng thái bình thường mới đòi hỏi các địa phương phải thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển; nhất là nắm bắt cơ hội trong thách thức. Để làm được điều này, các ý kiến cho rằng trước hết phải nâng cao năng lực quản trị thực thi, biến quyết tâm thành chiến lược chính sách và đưa được chính sách vào đời sống thực tiễn. Ở cấp địa phương, đó là việc cần xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát khoa học, bài bản, minh bạch việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ. Tiếp đó là quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, hệ thống thể chế, chính sách, phát triển nhân tố con người nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra nhiều dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý, v.v…

Đối thoại phát triển địa phương 2021 lần đầu tổ chức để thảo luận những cơ hội phát triển của các địa phương trong trạng thái “bình thường mới”; tập trung vào các sáng kiến nâng cao hiệu quả quản trị thực thi chính sách trong môi trường chuyển đổi số và khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh để vượt qua đại dịch Covid-19, bứt phát phát triển.

Phát biểu kết luận diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định tính hành động, tổ chức thực thi của diễn đàn, sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tinh thần sáng tạo và đưa ra các mô hình để thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh: Các nội dung nêu lên tại diễn đàn đều thống nhất về nhận thức, có tính hệ thống, bao trùm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền, các địa phương và sự tham gia của người dân; củng cố niềm tin đối với chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; thể hiện vai trò quyết liệt của người đứng đầu. Đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu và nội dung phát biểu, thảo luận, đặc biệt là những thông điệp mạnh mẽ, mới, sâu sắc và truyền cảm hứng, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Từ gợi ý của diễn đàn đối thoại phát triển địa phương 2021, các diễn đàn tiếp theo sẽ được triển khai sâu rộng, bên cạnh sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, sẽ có ý kiến của nhân dân, bảo đảm sự đồng bộ, cụ thể và thành công…

Đăng ký tham dự

Phiên tham dự