Hội thảo khoa học về định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Báo cáo Tổng kết nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.
Chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà vùng đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Cụ thể: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn chưa phát triển liên thông; kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ và kết nối doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, rời rạc; mô hình “liên kết giữa 4 nhà”, gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp - một trong những nhân tố được coi là đem lại sức bật mới cho vùng, chưa phát triển mạnh và trở thành phổ biến; việc quy hoạch và kết nối về chính sách giữa các địa phương trong vùng vẫn còn thiếu đồng bộ…
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các địa phương trong vùng cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ.
Trước hết, phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương để từ đó có quyết tâm thay đổi, có cách làm mới để thúc đẩy xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần hướng tới một tầm nhìn phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.
Trong đổi mới thể chế liên kết vùng, thay vì tập trung hình thành các bộ máy mang tính hành chính, cần có các cơ chế phối hợp một cách linh hoạt hơn. Cần tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung đột phá vào hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trước hết là các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, tạo thành các hành lang phát triển, kết nối các cảng biển, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cảm ơn sự tham dự và đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các địa phương trong vùng, các diễn giả quốc tế, các chuyên gia, các nhà quản lý... đã giúp Ban Chỉ đạo củng cố thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37- NQ/TW và tham mưu cho Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian tới.